Câu đối đại tự – Nét uy nghiêm, tôn kính thể hiện của mỗi gia đình dòng họ

Trang trí phòng thờ của gia đình, dòng họ bằng câu đối đại tự là công việc được con cháu rất lưu tâm để thể hiện lòng biết ơn thành kính đối với ông bà tổ tiên vừa mang lại giá trị thẩm mĩ cho không gian thờ.

Treo hoành phi – câu đối tại không gian thờ tự là một nét đẹp văn hóa có từ xa xưa và được ông cha ta lưu truyền đến ngày nay, đặc biệt là trong những gia đình có vai vế là con trưởng, trưởng chi, trưởng họ việc treo bộ hoành phi câu đối còn thể hiện sự uy nghiêm, tôn kính, thể hiện gia phong của một gia đình, dòng họ.

Thường thì hoành phi có 3 dạng: Đại tự, cuốn thư và hoành phi. Với những gia đình có phòng thờ rộng hoặc treo ở nhà thờ họ tộc thì các bức đại tự câu đối thường được treo phía ngoài cửa đi ra vào cùng với cửa võng, còn bên trong bàn thờ thì treo hoành phi câu đối hoặc cuốn thư câu đối. Còn với những gia đình chỉ có phòng thờ nhỏ thì chỉ cần treo một trong ba bức trên ở bàn thờ.

Hoành phi – câu đối luôn đi thành bộ, thành một chỉnh thể trong lối chơi chữ được người dân trăm họ ưa chuộng từ lâu. Người có của, lấy của che than, thường có hoành phi – câu đối sơn son thếp vàng. Câu đối quý nhất treo ở đôi cột đại đặt trên đế đá xanh tại gian giữa ngôi nhà “ba gian hai chái”kiểu nhà cổ thời phong kiến, với ngôi nhà hiện đại thì về cách thức vẫn là treo ở hai bên có thể là cột bê tông, hay treo hai bên tường phía trên ban thờ.

Theo phong tục đã có tự ngàn đời, ở những chốn linh thiêng như đình, đền, nhà thờ… thường có các bức hoành phi. Hoành phi nguyên nghĩa là tấm bảng nằm ngang vốn là bức thư họa (tranh chữ). Hoành phi có nhiều loại, có bức sơn son chữ vàng, có bức sơn đen chữ đỏ hoặc vàng, cũng có những bức được khảm xà cừ rất cầu kỳ, đẹp mắt.

Tuy nhiên, đặc sắc và độc đáo nhất phải kể đến những hức hoành phi được làm bằng kỹ thuật “chạm khắc”, chạm lên một vài chi tiết như long, ly, quy, phượng, các loại hoa văn mang ý nghĩa linh thiêng khác… sau đó đắp vào bức chính.

Hoành phi đại tự thường được làm bằng gỗ tốt làm đồ tâm linh như gỗ mít, dổi, vàng tâm, được chạm lọng, chạm khắc, gắn kết với nhau thông qua ngàm mộng chứ không dùng đinh.

Những chữ Hán viết trên hoành phi đại tự thường theo 3 kiểu cơ bản là chữ CHÂN, chữ HÀNH, chữ KHẢI, chữ TRIỆN… Nội dung bày tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên và những người có công với gia đình, dòng họ, đất nước, thông thường chỉ có từ ba đến bốn chữ như: “Vạn cổ anh linh” (muôn thuở linh thiêng), Lưu đức lưu ân (Lưu giữ mãi ơn đức)…

Những chữ lạc khoản nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành phi sẽ cho chúng ta biết thông tin về chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng, sự kiện tạo ra bức hoành phi đó, về thời gian làm bức hoành phi trong đình, đền, nhà thờ họ… Hình trang trí trên các bức hoành phi như tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ thời (mai, lan, cúc, trúc),Cuốn Thư hình quyển sách và cây bút, hình thanh gươm… ngoài việc làm nổi bật thêm nội dung của những chữ trên bức hoành phi, còn thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của người nghệ nhân.

Hoành phi câu đối đại tự thường được treo ở những nơi như đình, đền, nhà thờ họ, phía trên bàn thờ gia tiên, nơi lăng mộ… Vị trí của hoành phi thường treo ngay ngắn nơi chính giữa hoặc những vị trí trang trọng khác của đền, đình hoặc ngôi nhà, hướng ra ngoài, cố định và ít di chuyển, tạo cảm giác bền vững, lâu dài. Có gia đình chỉ treo tại bàn thờ tổ tiên một bức hoành phi, nhưng cũng có gia đình treo đến hai ba bức Hoành Phi, Cuốn Thư sơn son thếp vàng, thường là gia đình khá giả.

Dưới đây là một số chữ thường được viết trên các câu đối đại tự:

* HOÀNH PHI CÂU ĐỐI ĐẠI TỰ THỜ ĐÌNH MIẾU

  1. ĐỨC ĐẠI TRƯỜNG CHI
  2. THƯỢNG ĐẮNG PHÚC THÂN (công đức như biển rộng núi cao)
  3. HẢI ĐỨC SƠN CÔNG (công đức như biển rộng núi cao)
  4. VẠN CỔ ANH LINH (muôn thuở linh thiêng)
  5. HỘ QUỐC TÝ DÂN (Bảo vệ nước, che chở cho dân)
  6. TUY NIỆM TIỀM ÂN (tưởng nhớ ân xưa)

* HOÀNH PHI CÂU ĐỐI ĐẠI TỰ THỜ GIA TIÊN

  1. PHÚC ĐẠI ĐƯỜNG
  2. NGUYỄN (LÊ, CAO, ĐỖ, …) TỘC TỪ ĐƯỜNG
  3. PHỤNG TỔ ĐƯỜNG
  4. NGŨ PHÚC LÂM MÔN (năm phúc vào cửa – phú quý thọ khang linh)
  5. TẤT HỮU HƯNG (ắt sẽ hưng thịnh
  6. PHÚC LAI THÀNH (phúc sẽ tạo nên)
  7. ĐỨC LƯU QUANG (đức độ tỏa sáng)

Với vẻ đẹp nho nhã cùng ý nghĩa sâu xa, câu đối đại tự được lưu giữ và tồn tại trong nhiều không gian thờ cúng linh thiêng, xứng đáng là một di sản văn hóa Việt. Việc khai thác giá trị đạo đức của cuốn thư câu đối trong việc giáo dục đạo đức là hướng đi đúng đắn và ý nghĩa trong thời đại ngày nay